Tránh mất dữ liệu do thảm họa bằng các bản sao lưu phù hợp

Trong những năm gần đây, tình hình khí hậu biến đổi khó lường đã khiến các quản trị viên backup phải luôn để tâm đến. Việc chuẩn bị là rất quan trọng để ngăn ngừa mất dữ liệu và phục hồi nhanh chóng sau các thảm họa thiên nhiên.

Khi biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn, thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất. Do đó, nhiều quản trị viên phải có kế hoạch ngăn ngừa mất mát dữ liệu trong trường hợp có các biến cố thời tiết khắc nghiệt.

Johnny Yu, nhà phân tích ngành lưu trữ doanh nghiệp tại IDC cho biết, trong lịch sử, các công ty coi việc khắc phục thảm họa là một lĩnh vực mà họ không nên đầu tư quá mức. Quan điểm đó hiện đang thay đổi, cùng với các xu hướng thời tiết mới.

Yu nói: “Các công ty, tổ chức đã quen với các kiểu thời tiết địa phương của họ có xu hướng chỉ lập kế hoạch cho những kiểu thời tiết đó. Khi những hình mẫu đó thay đổi, các quản trị viên giờ đây phải giải quyết các khả năng xảy ra thảm họa mới mà họ có thể chưa đầu tư nguồn lực vào. Chúng bao gồm hỏa hoạn, bão  nhiệt đới, ngập lụt hoặc các sự kiện gây sự cố lưới điện quy mô lớn.”

Các kiểu thời tiết mới buộc phải đánh giá lại vấn đề sao lưu dự phòng

Một cách tốt để khởi đầu việc sao lưu dữ liệu nói chung là tuân theo quy tắc 3-2-1-1. Một phiên bản sửa đổi của quy tắc 3-2-1 truyền thống, quy tắc 3-2-1-1 đề xuất ba bản sao dữ liệu, bao gồm bản gốc cộng với hai bản sao dự phòng; hai loại phương tiện lưu trữ khác nhau; một bản được giữ ở bên ngoài để đề phòng các thảm họa cục bộ; và một bản sao được giữ ngoại tuyến trong bộ lưu trữ bất biến để bảo vệ khỏi ransomware.

Yu cho biết: “Đặc biệt, để khắc phục thảm họa, việc lưu trữ các bản sao lưu và tổ chức site cho khả năng failover trên dịch vụ đám mây sẽ điểm qua nhiều hạng mục của quy tắc 3-2-1-1”.

Christophe Bertrand, giám đốc thực hành quản lý và phân tích dữ liệu tại Tech Target cho biết, mặc dù các vấn đề liên quan đến trung tâm dữ liệu và rủi ro sao lưu dữ liệu luôn tồn tại, nhưng sự gia tăng của các kiểu thời tiết khắc nghiệt có thể thay đổi các thông số về nơi các công ty quyết định thực sự cài đặt hoặc thiết lập trung tâm dữ liệu của họ. Các mối đe dọa đối với trung tâm dữ liệu có thể đến dưới dạng lũ lụt, thiệt hại do gió, hỏa hoạn hoặc thậm chí là sụt lún, động đất.

Bertrand nói: “Điều quan trọng là cần phải hiểu những rủi ro mới và xây dựng hệ thống phòng thủ có thể chống lại những vấn đề đó”. Các mối đe dọa đối với trung tâm dữ liệu cũng có thể nhắm vào cả khu vực chứ không chỉ tại data center, làm gián đoạn hoặc làm hỏng toàn bộ hạ tầng địa phương.

Sao lưu dữ liệu trên đám mây giúp dữ liệu được an toàn

Yu cho biết lợi ích hàng đầu của việc sử dụng bản sao lưu đám mây để khắc phục thảm họa nằm ở chi phí. Không giống như giải pháp khắc phục thảm họa tại chỗ, khách hàng không phải trả tiền cho địa điểm phụ và phần cứng bổ sung hoặc phí bảo trì phần cứng đó.

Yu nói: “Tương tự như vậy, việc mở rộng quy mô trên đám mây sẽ rẻ hơn so với việc mở rộng quy mô lưu trữ và xử lý bằng phần cứng do chính họ sở hữu”. “Ngoài ra còn có một lớp bảo mật bổ sung với dữ liệu trên đám mây, vì đây là một bộ thông tin xác thực nữa mà kẻ tấn công phải đánh cắp để truy cập vào hệ thống sao lưu.”

Một nhược điểm lớn của đám mây là băng thông internet trở thành nút cổ chai cho mọi bước của quá trình sao lưu, từ việc gửi dữ liệu lên đám mây ngay từ đầu cho đến khôi phục dữ liệu trở lại trạng thái chính sau khi thảm họa kết thúc.

Tuy nhiên, mức độ dễ bị tổn thương cũng mở rộng đến vị trí của nhà cung cấp đám mây và lưu trữ dữ liệu của họ cũng như những gì vị trí đó phải đối mặt khi thời tiết khắc nghiệt. Các tổ chức nên xem xét diễn biến thời tiết địa phương trong vài năm qua để hiểu rõ hơn về tương lai có thể xảy ra đối với nhà cung cấp đó.

“Các công ty sử dụng giải pháp khắc phục thảm họa tại chỗ cần đảm bảo địa điểm phụ của họ đủ xa địa điểm chính để một thảm họa cục bộ sẽ không ảnh hưởng đến cả hai”, Johnny Yu, Nhà phân tích ngành lưu trữ CNTT doanh nghiệp của IDC.

Bertrand nói: “Lợi ích của việc lưu trữ đám mây là việc dữ liệu sao lưu sẽ không nằm trong hạ tầng của bạn”. “Nếu bị tác động, theo một nghĩa nào đó, điều đó không thực sự quan trọng. Rõ ràng, dữ liệu của bạn ở một nơi khác về mặt địa lý. Vì vậy, hiểu được nhà cung cấp đám mây đang lưu trữ nó ở đâu — và họ làm gì để bảo vệ hạ tầng của chính họ — sẽ trở nên quan trọng.”

Vị trí vẫn là yếu tố then chốt với sự sắp xếp sao lưu đám mây hỗn hợp

Một số tổ chức chọn cách thiết lập đám mây hỗn hợp (hybrid cloud), trong đó dữ liệu có thể được lưu trữ cả tại cơ sở và với nhà cung cấp đám mây. Một lần nữa, chìa khóa để ngăn ngừa mất dữ liệu trong thảm họa thiên nhiên là vị trí.

Yu nói: “Các công ty sử dụng giải pháp khắc phục thảm họa tại chỗ cần đảm bảo địa điểm phụ của họ đủ xa địa điểm chính để một thảm họa cục bộ sẽ không ảnh hưởng đến cả hai”. Khoảng cách sẽ khác nhau tùy theo mỗi công ty, nhưng yêu cầu chính là cả hai địa điểm không nằm trên cùng một mạng điện. Ông giải thích: “Không phải mọi thảm họa đều là động đất hoặc lốc xoáy — việc mất điện là phổ biến nhất và vẫn có thể là nguyên nhân gây ra sự cố failover, đặc biệt đối với các công ty có giao dịch cao, nơi mỗi giây ngừng hoạt động đều khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ.

Các tổ chức phải kiểm tra kế hoạch khắc phục thảm họa thường xuyên. Theo Yu, một cuộc khảo sát gần đây của IDC cho thấy chỉ có 38% tổ chức thử nghiệm kế hoạch khắc phục thảm họa của họ hàng quý hoặc thường xuyên hơn. Việc kiểm tra kế hoạch thường xuyên là rất quan trọng để ngăn ngừa mất dữ liệu trong thảm họa thiên nhiên, vì nó cho phép các tổ chức phát hiện ra các lỗ hổng và chống lại các rủi ro thay đổi .

Yu cho biết: “Tạo sổ tay cho các tình huống thảm họa hoặc tấn công mạng khác nhau và theo dõi chúng bằng cách tiến hành diễn tập là cách tốt nhất để đào tạo nhân viên, tinh chỉnh kế hoạch khắc phục thảm họa và chuẩn bị cho các công ty, tổ chức khi xảy ra sự cố thực tế”. Hơn nữa, các kế hoạch khắc phục thảm họa cần được cập nhật và thử nghiệm bất cứ khi nào có thay đổi lớn về CNTT, chẳng hạn như triển khai một ứng dụng quan trọng mới hoặc nâng cấp hệ thống lớn.”

Nguồn Tech Target