9 cân nhắc trước khi sử dụng lưu trữ đám mây

Hãy sử dụng những câu hỏi này để làm điểm khởi đầu cho quá trình dịch chuyển sang đám mây của bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng một số cách sử dụng và tập dữ liệu phù hợp để lưu trữ trên đám mây, trong khi một số khác thì không.

Với rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây (Cloud Storage) và sự kết hợp của nhiều môi trường đám mây khác nhau, việc chọn đúng nhà cung cấp cho doanh nghiệp của bạn có thể là một thách thức lớn.

Hầu hết các nhà cung cấp đều mang đến khả năng mở rộng hầu như không giới hạn, cho phép mở rộng quy mô lưu trữ dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh đang phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức doanh nghiệp phải hiểu các yêu cầu của mình để tìm được nhà cung cấp lưu trữ đám mây phù hợp đáp ứng được các yêu cầu đó. Liệu có cần sao lưu trên đám mây? Liệu có cần nhà cung cấp có hỗ trợ giải quyết mọi vấn đề hay cần có nhân viên xử lý nội bộ?

Dưới đây là chín câu hỏi về lưu trữ đám mây mà bạn nên hỏi trước khi quyết định lựa chọn của mình.

1. Tại sao bạn cần lưu trữ đám mây? Nền tảng lưu trữ này dùng để sao lưu, khắc phục thảm họa, cộng tác hay là nơi lưu trữ chính? Câu hỏi quan trọng này sẽ thu hẹp sự tập trung của bạn và chuẩn hóa quá trình ra quyết định. Ví dụ: các yêu cầu mà nhà cung cấp phải đáp ứng để sao lưu tự động vào đám mây có thể sẽ ít nghiêm ngặt hơn so với yêu cầu đối với một hệ thống lưu trữ chính.

2. Bạn sẽ lưu trữ loại dữ liệu nào? Đó có phải là dữ liệu người dùng và ứng dụng không? Đó là dữ liệu có tính truy cập cao hay dữ liệu lưu kho? Ngoài ra, bạn có cần chạy ứng dụng trên đám mây không? Biết được câu trả lời sẽ giúp bạn chọn được phương án phù hợp, chẳng hạn như Amazon S3 hoặc Google Cloud.

3. Bạn cần nền tảng lưu trữ đối tượng (Object) cho các ứng dụng có kiến ​​trúc đám mây hay lưu trữ khối (Block), hay tập tin (File) cho các ứng dụng truyền thống? Object Storage phù hợp hơn với các tùy chọn như Azure Blob Storage với quyền truy cập mạnh mẽ thông qua REST API. Block hay File Storage phù hợp hơn cho mục đích sử dụng thông thường của doanh nghiệp, với các tùy chọn như Google Cloud.

4. Nhu cầu lưu trữ dữ liệu của bạn là gì? Bạn cần biết hiện tại bạn đang sử dụng bao nhiêu dung lượng và nhu cầu dung lượng trong tương lai. Một trong những lợi ích hàng đầu của lưu trữ đám mây là khả năng mở rộng.

5. Nhu cầu về tính sẵn sàng truy cập của dữ liệu của bạn là gì? Bạn sẽ cần các cấp truy cập khác nhau cho các nhu cầu lưu trữ và sử dụng dữ liệu khác nhau. Nhà cung cấp phải có các thỏa thuận cấp độ dịch vụ (SLA) phù hợp với nhu cầu của bạn và tránh tình trạng sụp hệ thống và downtime. Bạn phải hiểu bạn có quyền truy đòi những gì nếu các điều khoản không được đáp ứng.

6. Khả năng bảo mật và quyền riêng tư của nhà cung cấp là gì? Bạn sẽ muốn đánh giá lại khả năng của nhà cung cấp về tính năng mã hóa cho dữ liệu truyền đi và dữ liệu ở trạng thái lưu trữ để đảm bảo chúng khớp với những gì bạn cần. Những kiểu kiểm soát truy cập và phương pháp xác thực nào được áp dụng? Hãy luôn xem xét mọi nguyên tắc pháp lý và ngành mà bạn phải tuân theo, chẳng hạn như trong ngành chăm sóc sức khỏe và tài chính.

7. Dữ liệu được lưu trữ ở đâu? Hiểu biết về các luật và quy định hiện hành gì đang áp dụng với bạn và đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ tuân thủ. Ngoài ra, bạn sẽ có thể giảm thiểu tình trạng downtime và rủi ro dễ dàng hơn nếu bạn biết dữ liệu ở đâu.

8. Nhà cung cấp có đáp ứng thời gian khôi phục như mong đợi không? Nếu sử dụng đám mây để sao lưu và khôi phục, SLA của nhà cung cấp có cho phép bạn đáp ứng mục tiêu về thời gian khôi phục và điểm phục hồi?

9. Mô hình thanh toán là gì? Nhiều nhà cung cấp đám mây cung cấp mô hình thanh toán theo thuê bao, ngay cả đối với hệ thống lưu trữ đám mây riêng (private cloud storage). Cần nắm cách chúng hoạt động và số tiền bạn sẽ trả cho dung lượng lưu trữ của mình.

Nguồn Tech Target